5 lưu ý khi sử dụng Glucosamine cho người đau khớp

5/5 - (1 bình chọn)

Glucosamine là một thành phần tự nhiên trong cơ thể giúp cho quá trình tái tạo sụn. Vì thế, nó thường được bổ sung vào cơ thể để cải thiện tình trạng thoái hóa xương khớp.

1. Glucosamine là thuốc gì?

1.1. Nguồn gốc của Glucosamine trong cơ thể

Glucosamine là một loại đường tự nhiên giúp cơ thể xây dựng sụn (mô liên kết cứng chủ yếu nằm trên xương gần khớp). Glucosamine ở dạng acetyl hóa là thành phần tự nhiên của một số glycosaminoglycan (ví dụ axit hyaluronic và keratan sulfate) trong proteoglycan, được tìm thấy ở sụn khớp, đĩa đệm và dịch khớp của cơ thể.

Glucosamine tự nhiên của cơ thể có trong các sụn khớp

1.2. Vai trò của Glucosamine trong điều trị viêm khớp

Càng lớn tuổi lượng Glucosamine tự nhiên trong cơ thể càng giảm dần, làm xương khớp ngày càng suy thoái, lâu dần khiến con người dễ mắc phải các bệnh về xương khớp. Do đó, nhu cầu cung cấp Glucosamine từ các chế phẩm để hỗ trợ điều trị bệnh là rất cao. Glucosamine đã được sử dụng rộng rãi trong y học để thay thế như một chất hỗ trợ giảm đau khớp, sưng và cứng do viêm khớp.

Glucosamine hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp

Một số công dụng của thuốc được biết đến có tác dụng cho sự cải thiện xương khớp như:

  • Thúc đẩy quá trình tái tạo sụn mới, từ đó giúp các khớp xương đang bị tổn thương được phục hồi.

  • Giảm thiểu tình trạng đau nhức, sưng đỏ xương khớp ở người bệnh.

  • Liên kết lại các mô ở khớp giúp cơ thể hoạt động dẻo dai, linh hoạt hơn.

2. Lựa chọn chế phẩm Glucosamine hợp lý

Glucosamine có nhiều dạng khác nhau của gồm glucosamine sulfate, glucosamine hydrochloride và N-acetyl glucosamine. Các công thức glucosamine khác nhau đã được thử nghiệm, bao gồm glucosamine sulfate và glucosamine hydrochloride.

Các nghiên cứu in vitro và in vivo đã phát hiện ra cơ chế hoạt động của glucosamine trên các mô khớp (sụn, màng hoạt dịch và xương dưới sụn) và chứng minh hiệu quả của nó. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu sự nhất trí trong các thử nghiệm lâm sàng về hiệu quả của nó.

Không phải tất cả các cách sử dụng glucosamine đều được FDA chấp thuận. Glucosamine không nên được sử dụng thay thế thuốc do bác sĩ kê đơn. Nó thường được bán như một chất bổ sung thảo dược dưới dạng thực phẩm bổ sung hay thực phẩm chức năng.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều dạng chế phẩm bổ sung glucosamine, đa dạng về nhà sản xuất, dạng bào chế, hàm lượng hoạt chất. Do đó, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi lựa chọn một chế phẩm thích hợp để sử dụng.

3. Glucosamine nên được sử dụng như thế nào?

3.1. Nên dùng Glucosamine khi nào?

Glucosamine thường được sử dụng cho các bệnh nhân bị thoái hóa xương khớp và viêm khớp. Cần phải duy trì thời gian lâu dài với liều lượng thích hợp, sau mỗi liệu trình phải khám tổng quát để biết được hiệu quả sử dụng thuốc.

Trước khi sử dụng cần thông báo cho bác sĩ biết nếu bệnh nhân thuộc các trường hợp sau:

  • Phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

  • Mẫn cảm hoặc có nguy cơ dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

  • Có ý định sử dụng thuốc cho trẻ nhỏ.

  • Đang hoặc có ý định sử dụng thêm bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng khác.

  • Đang hoặc có tiền sử mắc các bệnh khác ngoài xương khớp.

3.2. Liều dùng

Trong hầu hết các nghiên cứu về điều trị viêm xương khớp, liều thông thường là 500mg glucosamine, mỗi ngày 3 lần, liều tối đa 1500mg/ ngày. Ngoài ra, khi kết hợp với Chondroitin thì liều khuyên dùng là 1200mg/ngày.

Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể phân liều chính xác cho từng đối tượng bệnh nhân cụ thể. Để tránh gặp phải những tác dụng bất lợi trên đường tiêu hóa khi uống, nên sử dụng thuốc cùng hoặc sau bữa ăn.

Lưu ý, trong trường hợp sử dụng quá liều, cần liên hệ ngay với bác sĩ và đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

3.3. Cách bảo quản thuốc

Nên bảo quản thuốc ở nhiệt độ không quá 300C, tránh ẩm, tránh ánh sáng trực tiếp. Không được để thuốc trong ngăn đá tủ lạnh hoặc những nơi ẩm thấp như nhà tắm.

Để thuốc tránh xa tầm với của trẻ em và vật nuôi. Ngoài ra, đối với mỗi chế phẩm khác nhau sẽ có cách bảo quản riêng được chỉ dẫn trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

3.4. Các dạng chế phẩm có trên thị trường

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều chế phẩm thuốc với dạng bào chế và hàm lượng khác nhau phù hợp với nhu cầu của bệnh nhân như:

  • Dạng viên 250mg, 500mg, 1000mg, 1500mg.

  • Dạng thuốc tiêm 400mg/3ml.

  • Dạng bột hòa tan hoặc dung dịch uống 1,5g.

4. Các chế phẩm Glucosamine có thực sự an toàn?

Nhìn chung, glucosamine có vẻ là một chất bổ sung khá an toàn, các tác dụng phụ thường nhẹ. Bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc như: táo bón, bụng khó chịu, ợ nóng, buồn ngủ, đau đầu…

Mặt khác, khi sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc khác nhau sẽ không tránh khỏi sự tương tác giữa các thuốc với nhau. Do đó, cần phải liệt kê tất với bác sĩ cả các loại thuốc đang sử dụng (kể cả thuốc kê đơn hay thuốc tự uống, thảo dược hay thực phẩm chức năng).

Khi sử dụng Glucosamine có thể gặp phải tương tác với một số thuốc thuộc nhóm chống đông như Anisindione, Dicumarol, Warfarin.

Tóm lại, trước khi sử dụng một chế phẩm Glucosamine, chúng ta cần tìm hiểu một số thông tin về hàm lượng, dạng bào chế, nguồn gốc của sản phẩm. Việc sử dụng sản phẩm đúng liều lượng và thời gian cũng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được các phản ứng có hại khi sử dụng quá liều. Hãy cân nhắc kỹ giữa lợi ích kinh tế và hiệu quả điều trị của các chế phẩm Glucosamine để có một lựa chọn tốt nhất.

Bài viết trên đây là những điều cần lưu ý khi sử dụng một chế phẩm có chứa Glucosamine, những thông tin này sẽ giúp bạn lựa chọn được sản phẩm thích hợp nhất.